Thursday 14 August 2014

Dải Gaza dưới trời đạn lửa! Gaza under fire!


-- Tóm tắt --

  • Dân quân Hamas phóng phi đạn vào nội địa Do Thái
    Do Thái trả đũa dữ dội .
    Câu hỏi đặt ra:
    1. Do Thái còn chính nghĩa nữa không khi giết dân lành?
    2. Hamas có phải là quân khủng bố hay là tiếng nói của dân Palestine.
đoàn xuân thu. melbourne::

Một trong những ngòi nổ cho cuộc xung đột hiện nay là việc bắt cóc rồi sát hại ba thiếu niên Do Thái hồi tháng Sáu ở Bờ Tây (West Bank). Do Thái đã mở một cuộc hành quân quy mô, bắt giữ hàng trăm người thuộc phe Hamas trong nỗ lực truy tìm thủ phạm.

Rồi đầu tháng 7, một thiếu niên Palestine bị thành phần Do Thái cực đoan bắt cóc rồi đem đi thiêu sống; rõ ràng nhằm để trả thù. Sáu người đã bị bắt giữ, chánh quyền Do Thái hứa sẽ điều tra tới nơi tới chốn.

Cuối cùng, dân quân Hamas trong Dải Gaza phóng phi đạn vào đất Do Thái. Và cuộc chiến tranh bắt đầu vào ngày 8 tháng 7. Do Thái không kích Dải Gaza nhằm mục đích ngăn chận việc Hamas phóng phi đạn. Ngày 17 tháng 7, bộ binh Do Thái tràn vào Dải Gaza nhằm phá hủy hệ thống địa đạo mà dân quân Hamas dùng để tấn công vào nội địa Do Thái.

Nội các Do Thái cảnh cáo rằng họ sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh nếu phe Hamas vẫn còn tiếp tục pháo kích vào lãnh thổ Do Thái. Phe Hamas muốn Do Thái phải bãi bỏ ngay cấm vận Dải Gaza!

Cả hai bên có vẻ vẫn giữ vững lập trường khi cuộc thương thảo đang tiếp diễn ở Cairo, thủ đô Ai Cập nhằm kéo dài thêm cuộc ngưng bắn tạm thời 3 ngày qua.

Do Thái muốn nhóm dân quân Hồi giáo ở Dải Gaza phải giải giới hoặc ít nhứt đoan chắc là chúng không được tái võ trang trước khi xem xét đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm vận Dải Gaza do Do Thái áp đặt vào năm 2007 và sau nầy kể cả Ai Cập cũng tham gia vào.




Những hình ảnh thương đau làm thế giới lên ruột.

(hình Pontiactribune.com)
Cuộc ngưng bắn tạm thời kéo dài 72 tiếng đồng hồ bắt đầu có hiệu lực vào sáng thứ Ba đưa đến cuộc thương thảo ở Cairo. Thế giới đang áp lực mạnh để hai bên phải kéo dài cuộc ngưng bắn tạm thời nầy để bắt đầu thương lượng.

Theo Liên Hiệp Quốc, có 1,900 người Palestine bị giết, ¾ là thường dân. Do Thái cho biết trong số đó có 900 dân quân Palestine. Có 64 quân nhân Do Thái và 3 thường dân bị thiệt mạng!

Suốt cuộc xung đột đẫm máu nầy hình ảnh trẻ con chết thảm được truyền đi liên tục trên toàn thế giới đưa đến cuộc tranh luận gay gắt giữa đôi bên. Người ủng hộ, kẻ chống đối. Người quy lỗi cho Do Thái, kẻ kết án phe dân quân Hamas.

Quy lỗi cho Do Thái


Việc những người trên thế giới có thể làm ngay là từ bỏ việc ủng hộ một cách mù quáng thiển cận đất nước Do Thái và vị Thủ Tướng nguy hiểm của nó.

Thủ Tướng Benjamin Netanyahu phải bị nhắc nhở ngay rằng sự ủng hộ của nhân dân thế giới dành cho Do Thái không phải là vô điều kiện khi ở Dải Gaza, ngày nào cũng có thường dân nhứt là trẻ em vẫn bị giết chết!


Thử tướng  Netanyahu của Do Thái
(hình  Guaianlv.com)
Nếu cho rằng Do Thái phải đương đầu với mối đe dọa từ bên ngoài thì người chịu trách nhiệm chính phải là Thủ tướng Do Thái Netanyahu. Nhiều năm liền, ông chơi ván bài tách biệt người Palestine và người Do Thái. Ván bài nầy đã thất bại xét về lợi ích lâu dài cho đất nước của ông. Cuộc phiêu lưu quân sự mới đây ở Dải Gaza chắc chắn làm giảm đi vị thế của Do Thái trên trường quốc tế.

Netanyahu đã chọn giải pháp đối đầu một cách không khoan nhượng; đến nỗi giờ đây khó lòng mà quay trở lại. Ông đã cung cấp cho kẻ thù của đất nước Do Thái nhiều chính danh hơn để tấn công, hơn bất cứ vị Thủ tướng tiền nhiệm nào từ Menachem Begin phát động cuộc xâm lược không thể nào quên được vào đất nước Li Băng; làm bôi bẩn tiếng tăm của một người đã nhận giải Nobel về Hòa Bình.

Từ khi lên làm Thủ Tướng năm 2009, Netanyahu đã gây ra nỗi lo ngại lớn nhứt cho Do Thái và những bè bạn khác vốn tin rằng cuộc sắp xếp một cách hòa bình với người Palestine là lộ trình duy nhứt để Do Thái tồn tại và phát triển.

Tay trong tay với những chánh trị gia từ chối thương thuyết, một động thái hung hăng của những người tin vào chủ nghĩa bành trướng Do Thái, Netanyahu đã hủy hoại niềm ước vọng của dân Palestine là được thành lập một quốc gia, giống như là ước vọng lập quốc của người Do Thái vào năm 1948.

Những khu định cư của người Do Thái mọc lên do việc chiếm những vùng đất mới rồi xây lên những bức tường an ninh… làm người Palestine thêm căm phẫn.

Những người Palestine khu Bờ Tây bị chiếm đóng và Dải Gaza càng ngày càng tuyệt vọng trong ngục tù của họ do Do Thái tạo ra. Từ căm phẫn, tuyệt vọng chuyển hóa thành những hành động kháng cự đẫm máu.

Theo những cuộc thăm dò ý kiến trên thế giới cho thấy sự bất mãn càng lúc càng gia tăng với chánh sách của Do Thái ngay cả trong lòng nước Mỹ(?!)

Do Thái thường tuyên bố mình là một nhà nước nhỏ bé phải tự vệ trong một biển kẻ thù. Điều đó có thể hiểu được. Nhưng từ tự vệ rồi trở nên hung hăng…

Vụ thảm sát người Palestine trong hai trại tị nạn thời Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon, sau đó trở thành Thủ tướng. Và hành động đàn áp khốc liệt người Palestine nổi dậy năm 1987 là kết quả đương nhiên của chiều hướng đó.

Do đó Do Thái bây giờ cần một con người có viễn kiến và có khả năng hơn Netanyahu để khôi phục lại niềm tin của thế giới từng dành cho đất nước Do Thái mà họ đã và đang đánh mất.

Thủ Tướng Yitzhak Rabin buộc phải thương lượng với Yasser Arafat, lãnh tụ PLO mà Do Thái từng gọi là tổ chức khủng bố! Rabin đã đưa đất nước của ông đến gần hòa bình hơn bất cứ chánh trị gia nào khác của Do Thái! Và có thể đã thành công nếu ông không bị ám sát bởi những người theo cánh hữu chống lại tiến trình hòa bình.

Rabin là một tư lịnh quân đội, một anh hùng, có lần nói rằng cuộc chiến tranh gần chấm dứt khi hai kẻ đối đầu bắt đầu thương thảo với nhau.

Bây giờ uy tín trên trường quốc tế của Do Thái bị trên đe dưới búa, thì Netanyahu cần nhận thức rằng: Tổ chức Hamas cũng phản ánh ước nguyện chánh đáng của người dân Palestine. Do Thái đã khuyến khích sự lớn mạnh của Hamas vào thập niên 80; nhằm chia rẽ và làm suy yếu tổ chức PLO của Arafat; bây giờ lại là một sự mỉa mai châm biếm. Chánh sách đó gặp phản ứng ngược khi Hamas thắng trong cuộc bầu cử dân chủ ở Dải Gaza vào năm 2006, áp đặt xã hội Hồi Giáo lên hiến pháp. Và Hamas công khai chống Do Thái!

Netanyahu và người tiền nhiệm Ariel Sharon thất bại trong việc học tập Rabin trong những năm 80. Chánh sách của họ chỉ là tăng cường kiểm soát những người dân ở Dải Gaza; buộc họ sống một đời tù ngục! Khước từ bất cứ mọi thương lượng nào với một chánh quyền ở Dải Gaza do dân bầu lên trong khi xiết chặt nắm đấm của mình vào vùng chiếm đóng ở Bờ Tây và phía Đông thành phố Jerusalem; không cho họ một cơ hội hòa bình nào… để rồi xảy ra thảm cảnh như ngày hôm nay.

Không ai có thể tha thứ hành động bắt cóc và sát hại ba thiếu niên Do Thái được cho là khơi mào một loạt biến cố dẫn đến cuộc xung đột ở Dải Gaza; hay phi đạn của phe Hamas bắn vào khu dân cư của người Do Thái. Nhưng nên hiểu những hành động nầy là hậu quả của sự tuyệt vọng, căm phẫn đối với chánh sách của chánh phủ Netanyahu đưa đến.

Netanyahu không có vẻ là một người có khả năng, người Do Thái đang cần một lãnh tụ có uy tín và viễn kiến để giải quyết cuộc xung đột nầy.

Yitzhat Rabin từng tuyên bố: Chúng tôi những người đã chiến đấu chống lại người Palestine hôm nay tôi muốn nói một cách rõ ràng mạnh mẽ rằng: ‘Máu và nước mắt đã quá đủ rồi!’

Bênh vực cho Do Thái


Khi Do Thái buộc phải bảo vệ đồng bào của mình trước cuộc tấn công của những tên khủng bố người Palestine phát xuất từ Dải Gaza thì trên thế giới nhiều tiếng nói phê phán cất lên một cách ồn ào: Hành động của quân đội Do Thái là nặng tay, là tội ác chiến tranh, là tàn bạo và ngay cả là diệt chủng. Trong khi lại giữ im lặng, không đá động gì đến những tay khủng bố đã châm ngòi cho cuộc xung đột nầy.



Dân quân Hamas nả pháo vào  Do Thái.

(hình nowtheendbegins.com)
Những cuộc biểu tình đôi khi biến thành bạo động xảy ra khắp thế giới nhằm chống lại Do Thái. Những người biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Tòa Đại Sứ Do Thái. Ở Đức, Pháp, Ý Tây Ban Nha và các nước khác thuộc Liên Âu người biểu tình tấn công vào người các trung tâm cộng đồng của người Do Thái. Rồi chánh phủ các nước Châu Mỹ La Tinh phản đối bằng cách rút đại sứ của họ về!

Nên nhớ là Hamas cố ý khơi mào cuộc xung đột. Dân quân Hamas xây dựng ít nhứt 30 địa đạo; đã sử dụng tới 600 ngàn tấn xi măng thay vì dùng để xây dựng nhà ở hay trường học cho dân Palestine.

Hamas đã tiêu phí những tài nguyên nầy nhằm mục đích mưa pháo xuống thành phố Do Thái, những tên khủng bố trang bị tới tận răng bất ngờ xuất hiện để bắt cóc thêm nhiều lính hoặc thường dân Do Thái trong suốt 8 năm trời khi Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza.

Thế giới cũng biết rằng Hamas giấu phi đạn, đạn pháo trong nhà dân, trong nhà nguyện, bệnh viện và trường học. Thế nên dù quân đội Do Thái có cẩn trọng đến đâu chăng nữa thì Hamas cũng biết chắc là thường dân sẽ trở thành nạn nhân. Dân số Dải Gaza phân nửa là trẻ con, phụ nữ… nên số bị thiệt mạng sẽ rất cao vì phe Hamas muốn thế để tuyên truyền!

Do Thái không muốn chiến tranh. Không muốn thường dân bị giết hại. Có ai phê phán phe Hamas đã dùng sức lao động của trẻ em khi xây dựng hệ thống địa đạo ở Dải Gaza và làm 160 em thiệt mạng?

Truyền thông thế giới chỉ có việc đếm xác! Gần 1900 Palestine và 67 Do Thái. Tất cả các cái chết nầy đều là bi kịch nhưng ai sẽ bước lên để ngăn chận số thương vong của cả đôi bên. Đó là Do Thái! Ai nhận lỗi vì lỡ gây ra cái chết của thường dân? Câu trả lời cũng là Do Thái.

Trong khi đó trái lại, Hamas tận dụng hết tất cả các cơ hội để gây nhiều đau khổ cho người Do Thái bằng cách bắn phi đạn vào những khu dân cư đông đúc; đưa những tên nổ bom cảm tử lẻn vào đất nước Do Thái; xúi dục trẻ con của chính họ vào chỗ chết mà không hề hối tiếc. Có bao giờ họ tự đứng ra nhận lỗi cho một nền văn hóa chết chóc mà chính họ tự tạo ra chăng?

Thế giới nầy đầy bạo đông và gây ra những cái chết thương tâm. Chết cả ngàn, chết hàng chục ngàn ở Syria, Libya, A Phú Hãn và ở Irak. Hồi giáo giết Hồi giáo. Ở Irak Hồi Giáo giết Cơ đốc giáo! Sao không ai lên tiếng phản đối để chống lại việc 170 ngàn người đã chết trong cuộc nội chiến ở Syria?! Tất cả đều im lặng vì ở nơi đó không có máy chụp hình, không có phóng viên chiến trường và ngay cả không có những người biểu tình phản đối việc vô nhân nầy ở Paris, Rome hay Luân Đôn!

Thái độ của Mỹ


Còn Tổng thống Mỹ, Barack Obama phát biểu rằng: ‘Do Thái có quyền tự vệ chánh đáng trước các cuộc tấn công bằng phi đạn và các cuộc tấn công của phần tử khủng bố xuất pháp từ những đường hầm bí mật trong vùng đất do phe Hamas kiểm soát’. Mặt khác nhấn mạnh rằng: ‘Dải Gaza không thể bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài’. Rõ ràng là muốn Do Thái ngừng cuộc cấm vận vào vùng đất nầy mà Do Thái đã áp đặt suốt 8 năm qua.
Ngân sách dành cho quân đội Do Thái hàng năm lên tới 14 tỉ Mỹ kim, Mỹ dự phần vào 3 tỉ và vừa cung cấp thêm 325 triệu cho hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) nhằm chống lại những phi đạn của phe Hamas.)

Theo đài CBS, có 54% người Mỹ được hỏi ý kiến, họ cảm thông với Do Thái. 16% với Palestine.

34 phần trăm quy trách nhiệm cho Hamas, 6% quy trách nhiệm cho Do Thái và có tới 47% quy trách nhiệm cho cả đôi bên.

59% người Mỹ nói Hoa Kỳ không nên can dự hay có bổn phận phải giải quyết cuộc xung đột giữa hai phe.

Và Dải Gaza lại tiếp tục dưới trời đạn lửa! Biết đến bao giờ?

đoàn xuân thu. melbourne.



Lang thang trên mạng


ria mép
(hình i.imurg.com)



Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.