Monday 23 June 2014

Trọng tài mà tài…không được trọng?!


Bồ Đào Nha- Hoa Kỳ: 1-2


đoàn xuân thu. Melbourne::

T ây nhập bóng đá qua nước mình cũng lâu lắm rồi, thời Nam Kỳ còn là thuộc địa Pháp! Mới đầu chỉ mấy thằng lính Tây chơi với nhau chiều chiều trong đồn binh (quan Tây không dám cho lính nghễu ngớn ra ngoài vì sợ dân An Nam mình đón đường mà ‘bụp’ mấy thằng cướp nước!) Sau bà con mình tò mò, thấy Tây khùng làm ngồ ngộ, vui vui; bèn bắt chước chơi theo?!

Cái gì mới là có người chưa biết, hiểu theo cách khác…?!

Một bà già trầu đi coi đá banh lần đầu thấy hai chục đứa xúm giành nhau một trái banh, lấy chưn đá ‘rốp rốp’ vào nhau, vung tay giựt chỏ vào mặt loạn xạ lúc nhảy lên đội đầu. Lâu lâu lại có đứa nằm lăn ra đất, kêu oai oái : ‘Má ơi! Đau quá!’ Vậy mà không thấy ai từ tâm, nhủ lòng thương xót, lại đỡ thằng nhỏ lên, coi nó có ra làm sao; mà chỉ lo giành được trái banh rồi ráng chạy như dông. Cả bọn hì hục rượt theo! Tuy vậy có hai đứa, mỗi đứa một bên không có tham gia, chỉ đứng dòm lom lom; không thèm nhảy vô can gián gì hết ráo. Còn một đám dân chúng ngồi ngoài rìa sân (ác hết biết!)… vỗ tay rào rào… khuyến khích mấy đứa nhỏ nầy ‘đánh’ nhau nữa chớ!


Trong tài Webb Howard
(Hình FiFa.com)
Chỉ tội nghiệp, có một ông già đầu trọc lóc, như Webb Howard, cầm còi chạy thục mạng, thổi tu hít hoét hoét như phú lít, can gián hoài mà tụi nó có chịu nghe đâu?

Sau cùng, bà già trầu lại thấy một đám khoảng 22 đứa, lần nầy cầm cây, cầm gậy rượt theo ông già áo đen, đầu hói, chạy chí chết vòng vòng sân vận động. Rồi đám khán giả cũng nhập bọn rượt theo làm ổng chạy thiếu điều tóe khói! Bà già trầu chán nản tình đời, nói với ông chồng: ‘Thôi đi về! Kệ cha tụi nó đi! Thiệt là một lũ “hâm hâm!”’

Ông già đầu hói cầm còi, mặc quần áo màu đen, bị người ta rượt chạy thục mạng đó, là trọng tài bóng đá.

Người ta nói buôn bán là làm dâu trăm họ! (Ít quá!) Nữ Thủ Tướng Đức, Angela Merkel, thì làm ‘dâu’ cho 81 triệu 654 ngàn 118 người Đức. Còn Tổng Thống Barack Obama làm ‘rể’ cho 322 triệu 278 ngàn 110 người Mỹ.
Nghe triệu, triệu thì thấy nhiều thiệt nhưng so với trọng tài bóng đá quốc tế FIFA, Webb Howard, bắt cho giải World Cup Brazil 2014 thì mấy con số nầy là lẻ tẻ; hỏng có nhằm nhò gì hết ráo. Vì trọng tài giải World Cup nầy phải làm ‘dâu’, làm ‘rể’ cho cả tỉ người xem trên toàn thế giới. Ca dao mình nói rất trúng rằng: ‘Làm dâu khổ lắm ai ơi! Vui chẳng dám cười; buồn chẳng dám than!’

Không dám than dù bị chửi bới dài dài. Bị gọi là “trọng tài xây cá nại” hay “trọng tài cận thị hỏng chịu mang kiếng” hoặc “ai cũng thấy, chỉ có trọng tài… hỏng thấy; như gã khờ ngọng nghịu đứng…làm thơ! ”!
Nghe chửi mà phải nhịn dù nhịn là nhục nên người ta mới nói là nhịn nhục. Vì miếng cơm manh áo cho vợ con hay sao?

Nghề để kiếm cơm thì chắc chắn là không phải rồi. Vì lương hướng đâu có bao nhiêu. So với thu nhập triệu, triệu đô của các cầu thủ siêu sao như Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha hay Lionel Messi của Á Căn Đình, thu nhập từ tiền lương, từ tiền chuyển nhượng, tiền bán áo thi đấu, từ tiền quảng cáo cho các hãng cá cược, thì thu nhập của một trọng tài dù là quốc tế FIFA như Webb Howard đi chăng nữa chỉ là một giọt nước so với đại dương; là một trời một vực! Cùng trong lãnh vực bóng đá với nhau, không có ‘tao’ là không được, không làm nên trận đấu… mà kẻ ăn không hết (còn dư tiền nuôi phủ phê mấy em chân dài, trên ngực có hai trái banh to tổ bố) mà người lần không ra?

Kết luận nghề trọng tài khổ như con ‘chó’ mà tại sao lại có người ham làm quá vậy?

Câu trả lời gần gần đúng là vì mấy ‘giả’ lỡ mê bóng đá, mà đá dở ẹc! Thôi để tui đi làm trọng tài, cũng được mặc áo ra sân, được xưng tụng là ‘vua sân cỏ’, cũng le lói, chớp chớp với ‘em’ hàng xóm thường ẹo tới ẹo lui (ngứa con mắt quá vì em vốn ‘phòng không chiếc bóng’ đã mấy năm nay!)

Một cầu thủ thầm thì vào tai, nịnh trọng tài: “Ông quả là một con người có trái tim nhân hậu!”


Ông trọng tài đáp lại: “Dẫu sao tôi đã sống với bà ấy suốt ba chục năm ròng!”


Nên mới có chuyện như thế nầy: Một ông trọng tài đang cầm còi điều khiển trận bóng đá. Trận đấu đang hồi sôi nổi. Banh tới lọt vào vùng cấm địa, chuẩn bị sút vào; thì tiếng còi trọng tài vang lên ngưng trận đấu. Cầu thủ ngơ ngác nhìn. Ông trọng tài đứng nghiêm, cúi đầu tôn kính vì ngoài đường có một đám tang đi qua, đưa người về bia mộ đường quên. Thấy vậy toàn thể cầu thủ cả hai đội đều ngừng lại, đứng nghiêm, cúi đầu chào vĩnh biệt người đã khuất. Một cầu thủ thầm thì vào tai, nịnh trọng tài: “Ông quả là một con người có trái tim nhân hậu!”

Ông trọng tài đáp lại: “Dẫu sao tôi đã sống với bà ấy suốt ba chục năm ròng!”

Thằng ‘chả’ đam mê đến nỗi tới đám ma của vợ ‘yêu’ mà thằng ‘chả’ cũng không ‘ke’; chỉ lo cầm còi, rượt theo trái banh để điều khiển trận đấu. Tưởng đam mê là niềm vui chớ ‘y’ đâu biết rằng niềm vui đã nằm trong thiên tai… vì đây là một nghề cực kỳ nguy hiểm và bạc bẽo!
M ột ông chết, hồn bay lên tới cổng thiên đàng. Thiên đàng vừa thành lập chánh phủ mới, thay đổi chánh sách nhập cư. Lần nầy chỉ những người cực kỳ dũng cảm mới được cấp ‘visa’.
(Vì thiên đàng lo xa cần người dũng cảm để lỡ Tập Cận Bình chiếm hết biển Đông có người lội ra biển chiến đấu mà ngăn bàn tay ‘nhám nhúa’ của nó lại. Bằng không, mất biển vì chết nhát, chỉ ngồi nhà chửi đổng, chửi vu vơ… Hết hơi… rồi nín; không dám chơi vì sợ nó quánh cho mà phù mỏ!)

Viên quan phụ trách Bộ Di trú và Định cư, Scott Morrison, tuân lịnh trên, bèn làm một cuộc phỏng vấn xét duyệt, hỏi: ‘Dưới dương thế ông làm nghề gì ạ?’ ‘Dà! Tui làm trọng tài bóng đá!’ ‘Trước khi cho phép ông định cư ở chốn thiên đàng, xin dám hỏi lúc sinh tiền, tiên sinh có làm điều gì rất can đảm, rất dũng cảm hay không?”

Viên trọng tài suy nghĩ hồi lâu… Nhớ xưa giờ hình như mình không có làm điều gì can đảm, dũng cảm hết! Ngay cả con vợ nhà mà mình còn sợ nó thấy bà. Nó nghiến răng trèo trẹo là mình run như cầy sấy.

Nhưng nếu không kể ra được một hành động can đảm, dũng cảm nào sợ không được cấp ‘visa’ nhập cư vào chốn thiên đàng mà phải xuống địa ngục, bị quỷ sứ cưa hai nấu dầu, sợ lắm! Bèn ráng lục lọi trí nhớ rồi kêu lên: ‘A! Dạ có rồi!’ ‘Hành động can đảm, dũng cảm nào kể thử nghe coi?’ ‘Dà! Chẳng qua tui mới điều khiển trận tranh chung kết Cúp bóng đá thế giới giữa hai đội Ba Tây và Á Căn Đình tại Rio de Janeiro, thủ đô của Ba Tây. Phút 89 lúc hai đội huề nhau 0-0, tui cho đội Á Căn Đình của Lionel Messi được hưởng quả phạt đền.

Ông quan nầy cũng phải gật gù công nhận: ‘Trên đất nước cuồng nhiệt bóng đá như Ba Tây mà ông dám phạt đền tụi nó ở phút 89 của trận đấu. Thiệt là một hành động can đảm, dũng cảm vô song!’ Nhưng ông có thể cho tôi biết chính xác nó xẩy ra lúc nào không để tui ghi vô sổ bộ cho ông Trời ổng ban thưởng anh dũng bội tinh hình thập giá (Cross of Valour) và cấp ‘visa’ cho ông mới được’

Ông trọng tài trả lời: ‘Dạ thưa! Cách đây 3 phút!’


Trọng tài Yuichi Nishimura bị tai tiếng khi cho Brazil ăn trái phạt đền trong trận mở màn năm nay
(Hình http://indianexpress.com/)
Dạ kể chuyện nầy chắc bạn đọc nghĩ người viết ở không rồi đặt dóc chớ cái nghề trọng tài cho tụi nhỏ đá banh chơi làm gì đến nỗi mà bị giết chết nhăn răng ra như thế? Dạ thưa có xảy ra rồi đó ạ!

Chuyện rằng: Ricardo Portillo, 46 tuổi, điều khiển trận đá banh ở Taylorsville, thành phố Salt Lake vào ngày 24 tháng 4 năm 2013! Ông phạt thẻ vàng một cầu thủ 17 tuổi. Chú ‘nhóc’ nầy nổi cộc quay lại đấm ông một phát vào mặt! Mới đầu tưởng nhẹ thôi. Ai dè chở vô nhà thương, ông bị xuất huyết não rồi từ giã cõi trần sau một tuần nằm hôn mê ở bịnh viện.
Thiệt là đau lòng khi nghe con gái ông trọng tài nói với đài CNN rằng: ‘Tụi con đâu ngờ xảy ra tới cớ sự như vầy! Ba con yêu thích bóng đá và thích làm trọng tài! Đó là niềm đam mê cho tới lúc ba con bị đánh đến hôn mê!’ Bác sĩ nói: ‘Chỉ còn phép lạ mới mang được ba trở về với tụi con thôi. Nhưng phép lạ không xảy ra và ba con đã chết vì niềm đam mê đó!’

Đó là chuyện tưởng chỉ xảy ra ở Mỹ mà ở Hòa Lan cũng có! Tháng chạp rồi, một trọng tài biên, nghiệp dư, 41 tuổi, bị hai thằng nhóc cầu thủ chỉ mới 15, 16 tuổi nhào vô đấm đá. Nạn nhân rơi vào hôn mê sâu và từ giã cõi đời vào sáng hôm sau! Thiệt là đau lòng quá!
Phải chi mấy ổng học cái sách của trọng tài bóng đá nước CHXHCN Việt Nam thì đâu đến nỗi.

Người viết nhớ hồi xưa, sau 75, có chuyện như vầy xin kể lại hầu bạn đọc! Cam đoan có thật 100%

Một trận đá banh giữa hai đội làng xã tranh tài chung kết cấp huyện. Bóng chạm tay một hậu vệ trong vùng cấm địa. Cầu thủ đội tấn công lẫn khán giả ngoài sân ủng hộ la hét rần rần: ‘Phạt đền! Phạt đền!’ Ông trọng tài dáo dác nhìn quanh; rồi chạy tuốt lên khán đài nơi đám quan chức chóp bu đang ngồi xem. Hỏi rằng ông bỏ sân đấu chạy đi đâu vậy? Té ra ông trọng tài chạy lên hỏi ý kiến chỉ đạo của đồng chí bí thơ huyện ủy coi xử làm sao? Đảng lãnh đạo; nhà nước quản lý mà!

Cuối tuần rồi thằng con của người viết cũng cầm còi đi đâu đó! Tối về, thấy hai con mắt nó bầm tím, sưng chù vù! Làm cha, thấy con như vậy ai mà không ‘xót’; bèn sai má bầy trẻ lẹ lẹ lấy bông gòn nhúng nước nóng có pha muối mà đắp lên mắt cho thằng nhỏ; rồi hỏi cớ sự ra làm sao?

Nó trả lời: ‘Con đi làm trọng tài đá banh. Con phạt một thằng thẻ đỏ vì tội giựt cùi chỏ vô mặt người ta lúc tranh bóng. Nó quạu, nó quay lại… giựt cùi chỏ vô mặt con. Hu hu!’

Nghe vậy người viết la lên rằng: ‘Trời ơi! Mầy là con tao mà sao mầy ngu quá vậy? Tao cũng muốn giựt cùi chỏ vô mặt mầy đây! Nhớ! Nhớ! Trọng tài bóng đá là cái nghề ‘ngu’ nhứt thiên hạ đó nha con!’

Sau bình tâm, suy nghĩ lại thấy mình nói cũng hơi quá. Nếu không ai dám làm trọng tài vì sợ bị chửi; sợ bị ăn đấm; sợ bị ăn đá thì làm sao có môn bóng đá. Môn thể thao vua mà vì bạo lực sân cỏ phải ngỏm củ từ thì tiếc lắm đó bà con ơi!

Bóng đá là để chơi; chơi mà nắm đầu trọng tài quánh tơi bời là hỏng có được đâu nha!

đoàn xuân thu.
melbourne
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.