Tuesday 24 June 2014

Số phận của các thuyền nhân tầm trú tại Úc vẫn bấp bênh



Tường An, RFA::

Sinh viên đại học Tây Úc biểu tình tỏ tình liên đới người tị nạn bị giam
(Hình http://rran.org/)

Blog Việt Luận có những người bạn Việt Nam đang sống trong trại tạm giam tại Úc. Họ là người bỏ nước ra đi nhưng rủi đặt chân lên đất nước này khi cửa bị đóng lại.

Trước đây, og3t thỉnh thoảng trò chuyện với vài anh em trong trại Yongah Hill, Tây Úc. Chuyện thân tình giữa người Việt Nam xa xứ với nhau. Thỉnh thoảng còn thêm một số người Việt Nam cùng nhau trò chuyện cho vui.

Bỗng cách đây khá lâu, hai bên bị đứt liên lạc. Og3t chỉ buồn một mình vì tưởng mình nói gì thất thố khiến anh em nghĩ chơi già này... Nhưng sự thật khác hẵn.

May mắn, tham gia vào trò chuyện với anh em trong trại tị nạn có cô Tường Anh, làm việc tại đài phát thanh RFA. Mới đây cô Tường An đã đưa tin này trên RFA và gởi cho og3t.

Og3t đã xin phép cô đăng lại trên blog Việt Luận.
Bạn đọc có thể nghe nguyên văn tại http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-fate-of-refu-in-aus-06222014070203.html

Xin cám ơn đài RFA và cô Tường An.

Og3t

C âu chuyện thuyền nhân tầm trú tại Úc vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chiều ngay thứ bảy 21/6, các thuyền nhân tầm trú tại trại Yongah Hill lại tổ chức một cuộc biểu tình đòi hỏi chính phủ Úc phải giải quyết cho định cư số người này. Thông tín viên Tường An ghi nhận ý kiến của các thuyền nhân tham gia cuộc biểu tình như sau.

Biểu tình của nhiều sắc tộc

Thứ bảy, ngày 21 tháng 6, khoảng hơn 600 thuyền nhân tầm trú tại Úc gồm nhiều sắc tộc khác nhau như Việt Nam, Pakistan, Afghanistan, Sri Lanka, Myanmar… đã tổ chức một cuộc biểu tình trong khuôn viên khu thể thao của trại Yongah Hill, một trại tạm giam nằm ở phía Tây nước Úc và gần thành phố Perth. Anh Toàn, một thuyền nhân của trại cho biết lý do của cuộc biểu tình:
“Lý do của cuộc biểu tình ngày hôm nay là vì Bộ Di Trú giam giữ thuyền nhân thuyền nhân Việt Nam cũng như các nước khác trong trại tị nạn quá lâu. Họ giam mà không có thời gian nào cụ thể, không có chính sách nào cho mọi người, cho nên bọn em biểu tình để nói lên tiếng nói với chính phủ là đừng giam giữ bọn em trong này quá lâu vì bọn em là những người trẻ, bọn em có thể giúp cho nước Úc những điều gì tốt đẹp nhất, cho nên là đừng có giam giữ bọn em quá lâu.”
Đoàn người biểu tình trưng các biểu ngữ với nội dung “Chúng tôi là con người - we are the people, Look at Us - Hãy quan tâm đến chúng tôi. Freedom for Us”…v.v….Lúc đầu, các biểu ngữ bị ban quản lý trại tịch thu, nhưng sau đó họ làm lại biểu ngữ khác và tiếp tục biểu tình. Trời đang mưa và lạnh, lực lượng cảnh sát rất đông đứng bên ngoài canh gác cuộc biểu tình, anh Toàn cho biết:
“Trời đang mưa, và các biểu ngữ có nội dung là “ Chúng tôi là con người - we are the people, Look at Us - Hãy quan tâm đến chúng tôi. Freedom for Us….tức là những biểu ngữ cho người tị nạn. Đặc biệt có lực lượng RT rất đông và bên ngoài thì cảnh sát đang nháy đèn rất chi là nhiều, và có một lực lượng cảnh sát đặc biệt đi lòng vòng quanh bọn em”

Lý do của cuộc biểu tình ngày hôm nay là vì Bộ Di Trú giam giữ thuyền nhân thuyền nhân Việt Nam cũng như các nước khác trong trại tị nạn quá lâu. Họ giam mà không có thời gian nào cụ thể, không có chính sách nào cho mọi người
Anh Toàn

Theo thống kê của Bộ Di Trú Úc thì trong tháng 9 năm 2013, đã có 54 thuyền nhân Việt đã bị âm thầm cưỡng bách hồi hương, tháng 10 đã có thêm 28 người phải trở về Việt Nam. Liên minh Việt BP cho biết nhiều người Việt, kể cả phụ nữ có thai bị đưa sang đảo Naru, nhiều người bị giam riêng để bất ngờ đưa về Việt Nam, một số thì bỏ trốn vì sợ bị trả về Việt Nam.

Số thuyền nhân Việt Nam trong trại Yongah Hill từ 342 đã xuống còn 220 người. Trước đây, các thuyền nhân này cũng đã kêu cứu vì không được phép cầu nguyện. Anh Jos Nguyễn tham gia biểu tình để chống lại chính sách mà anh cho là phân biệt đối xử này, anh nói:
“Chúng em đi tị nạn thì mong được có quyền tự do và được sống như bao con người khác. Chúng em hy vọng tìm được nơi một đất nước Úc rộng lớn. Nhưng thực ra chúng em sang đây bị giam giữ ở đây gần 2 năm trời, có người 4-5 năm, bọn em chẳng có tương lai gì cả. Chính phủ rất khắc khe với người tầm trú, đặc biệt với người Việt Nam. Các trại gia đình thì có một vài gia đình được ra, chứ còn toàn bộ những người Việt Nam độc thân thì bị giữ trong trại. Các sắc dân khác thì được ra đều đều hoà nhập cộng đồng, riêng Việt Nam mình thì không được nên tổ chức biểu tình ở đây là yêu cầu chính phủ hãy quan tâm đến chúng em, cho chúng em được cái quyền giống như những sắc tộc khác, như những con người khác.”

Người Việt trong trại tạm giam Yongah Hill

Trại Yongah Hill tạm giam phần lớn các thanh niên độc thân, đa số các thanh niên này là những thanh niên Công giáo, xuất thân từ Nghệ An, một ít đi từ Vũng tàu, Đồng nai. Họ cho biết lý do họ phải bỏ nước ra đi là vì tham gia các hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo và Nhân quyền. Phần khắc vì lý do bị cưỡng chế đất đai. Anh Toàn, một thanh niên công giáo đã ở trại này khoảng 1 năm rưỡi, nói với chúng tôi:
“Sắc tộc đến từ các nước khác thì em không rõ, nhưng mà đối với đa số các thuyền nhân Việt Nam thì họ trốn chạy chế đố độc ác, tàn bạo của Cộng sản Việt Nam, đa số bị đàn áp nên họ mới ra đi. Một số bị đàn áp tôn giáo, bị cưỡng bức nhà đất. Trước đây, em là một sinh viên công giáo, em tham gia các tổ chức Nhân quyền cho nên em phải trốn chạy khỏi quê hương Việt Nam để tránh khỏi bị bỏ tù”
Cách đây vài tháng, trại Yongah Hill cũng xảy ra biểu tình, nhưng với quy mô nhỏ hơn. Anh Nam đã trải qua đúng 4 năm trong trại cho biết anh là 1 trong những người đầu tiên vào trại này, khi chưa gặp người Việt thì anh không có cảm giác lo lắng nhiều, những sau đó, khi làn sóng thuyền nhân dâng cao, nghe những câu chuyện bị hành hạ, tra tấn của những thuyền nhân đến sau, anh Nam nghĩ là mình cũng tham gia biểu tình để cùng lên tiếng nói, anh chia sẻ:
“Nghe câu chuyện của họ: bị đánh đập, tra tấn….cho nên cảm giá thôi thúc em là nên tham gia với mọi người để cùng chung sức với mọi người lên tiếng nói”
Tháng 8 năm 2013, bộ Di Trú Úc đã cho công an CPA18 của Việt Nam vào các trại tạm giam để điều tra lý lịch của một số thuyền nhân. Sau đó có nhiều người bị trục xuất về lại Việt Nam. Tại Việt Nam có người bị bắt giam, bị đánh đập hoặc bị bắt nộp tiền phạt vì đã bỏ trốn khỏi đất nước. Ngày 12 tháng 3 năm 2014, bộ Di Trú Úc chính thức thông báo rằng, danh sách của hơn 10.000 thuyền nhân tầm trú đã bị lộ thông tin do bộ đã vô tình cho phép truy cập trên trang mạng của bộ Di Trú về thông tin cá nhân của các thuyền nhân này vào ngày 31 tháng 1 năm 2014. Do đó, các thuyền nhân đã rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng và run sợ trước tương lai của họ nếu bị trả về Việt Nam.

Một thuyền nhân đã ở tại trại này 2 năm tâm sự:
“ Chính phủ Việt Nam mà biết được thông tin của bọn em thì….Bây giờ bọ em rất sợ cái chuyện đó”
Cuộc biểu tình của hơn 600 thuyền nhân tầm trú bắt đầu lúc 3 giờ 45 phút. Trời vẫn đang nặng hạt, từ khu thể thao của trại Yongah Hill, những khẩu hiệu: “ Tự do cho chúng tôi, tự do cho các thuyền nhân….” hoà cùng tiếng mưa cho đến mãi tận 6 giờ chiều cùng ngày.

Tường An
(http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-fate-of-refu-in-aus-06222014070203.html)
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.