Tuesday 19 February 2013

101 thủ tục bầu tân giáo hoàng

Khoa Nam :: 
S

sau tin đức giáo hoàng Benedict XVI thoái vị, báo chí thế giới nhanh chóng nói ngay cuộc bầu cử tân giáo hoàng. Theo thủ tục hiện hành: Khi đức giáo hoàng thoái vị, ngai giáo hoàng bỏ trống và hồng y khắp thế giới tựu về Vatican bầu tân giáo hoàng. Cuộc bầu cử được định trước sẽ bắt đầu từ 15 cho đến 20 ngày kể từ khi trống ngôi. Trống ngôi, Sede Vacante, là chữ được dùng khi để chi chiếc ngai giáo hoàng bị bỏ trống.


Theo thủ tục này, các hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ tề tựu và bắt đầu mật nghị trong thời gian từ ngày 15.3.13 là sớm nhất và chậm nhất là từ ngày 20.3.13. Mật nghị dịch từ chữ Conclave. Chữ này nghĩa đen là "cùng với chìa khoá" vì khi hồng y vào phòng bỏ phiếu thì người ta khoá của lại. Chính các hồng y cũng không được phép tiết lộ chi tiết bầu cử cho thế giới bên ngoài. Ai tiết lộ liền bị loại ra khỏi giáo hội. Chữ nhà đạo gọi hình phạt này là "dứt phép thông công, excommication".

Chỉ được vào mật nghị bên trong nhà nguyện Sistine để bầu giáo hoàng là hồng y dưới 80 tuổi. Năm nay 117 hồng y khắp thế giới được quyền bầu giáo hoàng. Trong số này có hồng y Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn từ Việt Nam (79 tuổi) và hồng y George Pell (71 tuổi), tổng giám mục Sydney.


Diễn tiến

Bức tranh Phán Xét Chung của Michelangelo
(Hình : http://www.rome.net/

Cuộc bầu cử sẽ diễn ra từ ngày 15.3 hay trễ nhất là vào ngày 20.3. Các hồng y sẽ bị cô lập trong nhà nguyện Sixtine cho đến khi bầu được tân giáo hoàng. Năm 2005 chỉ mất 24 tiếng đồng hồ và qua bốn vòng bầu phiếu, thế giới có được giáo hoàng Benedict XVI. Nhưng trong lịch sử đã có cuộc bầu giáo hoàng kéo dài hơn 2 năm. Để tránh kéo dài bầu cử giáo hoàng quá lâu, người ta chỉ cho các hồng y ăn bánh mỳ và uống nước lã khi bị giam kín trong nhà nguyện Sistine cho đến khi có khói trắng bay lên.

Bầu cử giáo hoàng diễn ra bên trong nhà nguyện Sistine. Nhà nguyện này nổi tiếng với bức tranh "phán xét chung, Last Judgment' do Michelangelo vẽ trên trần nhà. Bức tranh phán xét chung này tả cảnh Chúa cho người này lên thiên đàng người kia xuống hoả ngục. Đặc biệt trong số người bị Michelangelo vẽ ở trong hoả ngục có một người vận y phục.... giáo hoàng!

Với phẩm phục đỏ, 117 hồng y theo thứ tự bước lên bàn thờ bỏ lá phiếu của mình vào một chén lễ. Rồi thinh lặng trở về chỗ ngồi. Bầu cử theo lối này thật là trịnh trọng nhưng... chán phèo. Hồng y Franz König, người Áo, đã từng ba lần tham dự bầu giáo hoàng vào năm 1963 và 1978 có lần nói "nếu ai quan sát diễn biến bầu giáo hoàng thì người đó sẽ chán đến khóc ròng!"

Thật vậy, không có gì hấp dẫn cái cảnh 117 cụ già -- từ 55 tuổi đến 79 tuổi -- ngồi trầm tư, đi đứng thủng thỉnh, ăn nói nhỏ nhẹ họp nhau trong ngôi nhà thờ nhỏ xếp hàng đi lên đi xuống. Họ đi lên đi xuống mỗi ngày hai bận và ngồi im thin thít cầu nguyện vì khi 117 vị đã đủng đỉnh trở về chỗ ngồi thì người ta kiểm phiếu. Ba vị hồng y kiểm phiếu vòng đầu. Rồi ba vị hồng y khác kiểm phiếu vòng nhì. Thế là phải mất vài tiếng đồng hồ mới xong một lần bỏ phiếu. Tất cả diễn ra trong thinh lặng vì không có công khai vận động tranh cử. Không tranh luận giữa hai ba ứng cử viên hàng đầu. Không có màn đi đên hay đi ngày giữa các phe nhóm. Ngay đến đức Benedict XVI cũng sẽ không có mặt khi hồng y bỏ phiếu và không can thiệp vào kết quả bầu cử.

Toà thánh quy định: mỗi ngày chỉ bỏ phiếu hai lần. Hai lần cũng chiếm gần hết thời giờ. Tuy nhiên, sau 13 ngày mà các hồng y chưa bầu được giáo hoàng thì các lần bầu phiếu kế tiếp tiếp chỉ chọn một trong hai hồng y được cao phiếu nhất. Tuy nhiên, được đắc cử giáo hoàng, hồng y phải được hai phần ba số phiếu (cộng với 1 phiếu) từ hồng y đoàn. Vì thế, cuộc bầu cử có thể kéo dài.


Khói trắng hay Twitter?

Khi có kết quả, hồng y niên trưởng (lần này là hồng y Giovanni Battista Re) sẽ hỏi vị đắc cử "Thưa ngài, ngài có nhận được bầu làm giáo hoàng không?". Vĩ đắc cử có quyền từ chối. Hiện nay, người ta cho rằng nếu hồng y Marc Ouellet, người Canada, đắc cử ngài có thể từ chối. Nếu vị đắc cử nhận, hồng y niên trường hỏi tiếp "Ngài sẽ chọn danh hiệu gì?". Thế là vị hồng y đắc cử đổi sang danh tính khác.

Vì các hồng y biệt lập trong nhà nguyện Sistine nên khi bầu được giáo hoàng, các ngày báo cho thế giới bằng làn khói trắng bay lên từ mái ngói nhà nguyện. Khói trắng, khói đen chỉ là một cách để thông tin từ nhà nguyện Sixtine với thế giới. Thật vậy, khi tổ chức bầu tân giáo hoàng các hồng y bị cô lập trong nhà nguyện Sistine cho đến khi bầu được tân giáo hoàng. Hồng y có thể bỏ phiếu nhiều vòng. Sau khi bỏ phiếu thì đốt lá phiếu để giữ bí mật. Khi chưa bầu được giáo hoàng thì người ta pha thêm hóa chất để có khói đen. Khi có tân giáo hoàng thì người ta pha hóa chất để có khói trắng. Đó là cách báo tin cho dân chúng đang nôn nóng chờkết quả bầu cử.

Nhưng có khi khói không rõ trắng đen nên vào năm 2005 người ta đề nghị nhà nguyện Sustine kéo chuông khi bầu được giáo hoàng. Như ở Vatican, có nhiều nhà thờ rung chuông nên cũng rất dễ hiểu lầm. Thế là các hồng y vẫn giữ lối xưa.

Khi có khói trắng,dân chúng tại Roma kéo về Vatican để chiên ngưỡng tân giáo hoàng. Năm nay, hồng y Jean-Louis Tauran sẽ bước ra bao lơn của nhà thờ thánh Phê-rô giới thiệu tân giáo hoàng bằng tiếng La Tinh "Habeamus Papam, Chúng ta đã có Giáo hoàng ".

Hy vọng, trước lễ Phục sinh 31.3 năm nay thế giới sẽ được nghe hay chữ "Habeamus Papam". Tuy nhiên, tuần lễ trước lễ Phục Sinh là tuần diễn ra nhiều nghi lễ tưởng niệm những ngày cuối cùng của Chúa trên dương gian. Tuần lễ này được gọi là Tuần Thánh. Vatican sẽ trống trải nếu không có giáo hoàng chủ lễ trong Tuần Thánh. Vì thế có tin toà thành có thể tổ chức bầu cử giáo hoàng sớm hơn dự định. Quyết định này nằm trong tay hồng y niên trưởng Angelo Sodano và hồng y nhiếp chính Tarcisio Bertone. Tin đồn từ Vatican cho rằng Chủ nhật 10.3.13 có thể bắt đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu giáo hoàng.

Thế giới đang chờ khói trắng bay lên từ mái nhà nguyện Sixtine, Ngoại trừ trước đó có vị hồng y nào cất tiếng hót "Habeamus Papam" lên mạng Twitter.
Có lẽ trong thời đại Internet, dám có người đề nghị dùng Twitter? Thật vậy, không những giáo hoàng Benedict XVI có địa chỉ tại Twitter (@pontifex) mà khá nhiều hồng y bước vào mật nghi với địa chỉ Twitter trong túi. Khi đức Benedict XVI thoái vị, hồng y Timothy Dolan (@CardinalDolan), giám mục New York, cất tiếng hót trên Twitter báo tin cho 80,000 người theo dõi (followers). Khi giáo hoàng đọc chiếu thoái vị, hồng y Gianfranco Ravasi (@CardRavasi), đã nhanh tay tung lên mạng Twitter lời kinh bằng tiếng La Tinh "Sub tuum praesidium confugimus, sancta Dei Genetrix, Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, chúng con xin mẹ che chở. " Hồng y Gianfranco Ravasi, 70 tuổi, người Ý, được coi là trong các Papabile và có 35,400 người theo dõi trên mạng Twitter. Từ Ba Tây, hồng y Odilo Scherer (@DomOdiloScherer) với 22,700 người theo dõi cũng chăm chỉ Twitter hơn. Ngoài ra, nhiều hồng y khác có dachi Twitter như Angelo Scola @angeloscola) người Ý, Wilfrid Napier (@CardinalNapier) người Nam Phi, Lluis Martinez Sistach (@sistachcardenal) người Tây Ban Nha....

Đặc biệt hồng y Roger Mahony (@CardinalMahony), tổng giám mục Los Angeles hồi hưu, đã cất tiếng hót "Am planning to be in Rome and vote for the next pope. Will be tweeting daily, Tôi chuẩn bị đi Rome để bầu tân giáo hoàng.Tôi sẽ cất tiếng hót mỗi ngày "
Nhưng thế giới có rất ít cơ hội để biết kết quả bầu cử tân giáo hoàng qua mạng Twitter vì khi bước vào nhà nguyện Sistine, các hồng y phải bỏ bên ngoài các thứ iPhone, iPad hay Android. Các ngài chỉ được mang theo xâu chuỗi dùng để đọc kinh mà thôi.

Khoa Nam

8 comments :

  1. Cám ơn Khoa Nam đã viết một bài thật rõ ràng về cuộc tiến cử vị Tân Giáo Hoàng, những điều mà tất cả giáo dân đều đang mong đợi và cầu nguyện cho vị Tân Giáo Hoàng này.

    ReplyDelete
  2. Ôi! Tiến cử là chữ quá hay để dùng cho "Pope election". Khoa Nam còn đang loay hay với chữ "Papabile". Mong cớ bà con trên đây cho biết chữ nào tương đương với người Việt mình.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xin hỏi Khoa Nam là em dùng chữ ' Papabile" là tiếng Pháp phải không ? Nếu là tiếng pháp thì theo chị là " Papable"( không có chữ i) là tính từ, có nghĩa là có thể bầu làm giáo hoàng , là một chữ dùng thân mật, đồng nghĩa với tiến cử .

      Delete
  3. Thưa chị Kim Nguyễn,
    Papabile chắc là chữ La Tinh hay chữ Ý gì đó. Chữ này tương đương với Papable trong chữ Anh và được định nghĩa là "qualified for and considered likely to succeed to the papacy". Còn chữ Pháp thì em không biết. Xin chị chỉ chữ tương đương trong chữ Việt .
    Cảm ơn chị.
    Khoa

    ReplyDelete
  4. Cập Nhật :7 March 2013 at 13:27

    Cập nhật:
    Survivors Network of those Abused by Priests, viết tắt SNAP, tại Hoa Kỳ cho biết không muốn một trong 12 Hồng Y sau đây đắc cử giáo hoàng:
    Hồng Y Peter Turkson, người Ghana; Hồng Y Tarsicio Bertone, người Ý; Hồng Y Dominik Duka, người Czech Republic; Hồng Y Norberto Rivera Carrera, người Mexico; Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, người Honduras; Hồng Y Timothy Dolan, người Hoa Kỳ; Hồng Y Donald Wuerl, người Hoa Kỳ; Hồng Y Sean O'Malley, người Hoa Kỳ; Hồng Y Angelo Scola, người Ý; Hồng Y Leonardo Sandri, người Argentina; Hồng Y George Pell, người Úc; and Hồng Y Marc Ouellet, người Canada.
    Khoa Nam

    ReplyDelete
  5. Cập nhật :: Các Hồng y sẽ bắt đầu tiến cử giáo hoàng vào thứ Ba 12.3.2013 – nghĩa là trước hai ngày như luật định. 115 Hồng y có quyền tiến cử sẽ bước vào nguyện Sistine và cách biệt với thế giới bên ngoài cho đến khi có khói trắng bay lên.
    Hồng y có thể tiến cử bất cứ đàn ông nào đã lãnh phép rửa tội nghĩa là nhập đạo Công giáo) làm giáo hoàng. Năm nay, ai được 77 phiếu thì đắc cử. Nhưng người đắc cử có quyền từ chối.
    Chọn ngày bắt đầu tiến cử sớm, dường như Vatican muốn có giáo hàng vào dịp lễ Phục Sinh (31.3.13). Sáu vị giáo hoàng gần nhất được bầu trong vòng bốn ngày và chỉ mất 24 tiếng đồng hồ vào năm 2005 thế giới có đức giáo hoàng Benedict 16. Nhưng trong lịch sử đã có cuộc tiến cử giáo hoàng kéo dài hơn 2 năm.
    Khoa Nam

    ReplyDelete
  6. Cập nhật: Vào sáng sớm thứ Tư 13.3.13 (giờ phía Đông Úc), 115 hồng y đã bước vào nhà nguyện Sistine, Vatican, để tiển cử giáo hoàng. Mỗi ngày sẽ có hai vòng bỏ phiếu: hai lần vào buổi sang và hai lần vào buổi chiều. Các hồng y bỏ phiếu cho đến khi có hồng y được 77 phiếu thì thế giới có tân giao hoàng.
    Sáng thứ Tư (giờ Úc) đã thấy khói đen bay lên từ mái nhà nguyện Sistine. Người ta đoán: từ nay cho đến cuối tuần khói trắng có thể bay lên. Habeamus Papam : chúng ta có giáo hoàng : đó hai chữ thế giới đang chờ đợi.
    Bog Việt Luận

    ReplyDelete
  7. Blog Việt Luận14 March 2013 at 07:44

    Cập nhật: 9 giờ tối tại Vatican, tức 5 giờ sáng thứ Năm 14.3.13 tại phía Đông Úc khói trắng đã bay lên. Hồng y Jorge Mario Bergoglio, người Á Căn Đình, trở thành giáo hoàng với danh hiệu Franciscum I (chữ Anh là Francis I).
    Có thể văn nhà đạo Việt Nam dịch thành "Phan-xi-cô đệ nhất".
    Blog Việt Luận

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.